Phản ứng Thảm_sát_Akihabara

Vụ thảm sát do Katō gây ra khiến cả nước Nhật kinh hoàng, nhưng các chuyên gia tội phạm học cho rằng đây chỉ là một ví dụ nữa, về một thanh niên cảm thấy bất mãn với vị trí của mình trong xã hội. Đây là vụ vô cớ giết người thứ ba ở Nhật trong năm 2008.

"Mọi người đều nói rằng Nhật là đất nước an toàn, nhưng giờ đây tôi không chắc điều đó còn đúng hay không", Sayaka Itoda, một phụ nữ trẻ đến đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân, cho biết.

Dù giới chức chưa xác định chính xác động cơ gây án của Kato, ông Akira Sakuta, giáo sư tội phạm học thuộc Đại học AgeoSaitama, đoán rằng y thuộc kiểu người thường đổ lỗi cho xã hội đã gây ra cuộc sống bất ổn và công việc thấp kém.

"Hẳn đã có gì đó không thuận sau khi y tốt nghiệp phổ thông, và y nhận thấy rằng thế giới thực rất khó hăn", Sakuta nhận xét. "Y có thể đã muốn tự sát. Ý muốn đó đôi khi chuyển thành chuyện giết người. Chắc rằng hồi nhỏ y đã được nhiều người chú ý, nên y nghĩ rằng phải làm gì đó để lấy lại sự chú ý của mọi người".

Có nhiều thanh niên Nhật Bản ích kỷ và thiếu chín chắn, và bạo lực chính là sự thể hiện điều đó.

"Khi sự việc không diễn ra như họ mong muốn, họ đổi lỗi cho những người xung quanh", giáo sư giải thích, và thêm rằng trong nhiều trường hợp thì cha mẹ của những thanh niên bạo lực đã không thể hướng dẫn con cái mình cách kiềm chế bản thân.

Trùng quan điểm với Sakuta, giáo sư tâm lý học Masafumi Usui thuộc Đại học Niigata Seiryo cho rằng kẻ cuồng sát có thể đã bất mãn với vị trí của y trong xã hội, ghen tức với những người cùng lứa tuổi có công việc và cuộc sống tốt đẹp hơn.

"Ngày nay một số thanh niên không nỗ lực để đạt mục đích của mình, họ cho rằng làm những công việc lương thấp là hèn kém", Usui nói. "Họ không hài lòng với những nghề nghiệp thông thường. Họ nhất định muốn trở thành thứ gì đó thật đặc biệt".

Những thanh niên không cảm nhận được tình yêu của cha mẹ, bạn bè hay thầy cô giáo dành cho họ cũng thường dùng đến bạo lực. "Đó là mặt trái của một xã hội giàu có, trong đó cha mẹ dễ chiều và làm hư con cái", Usui nhận xét. "Nếu bọn trẻ không cảm thấy được yêu chiều, chúng liền nổi cáu" và bất mãn với bản thân.

Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội cũng là một trong những yếu tố gây nên các cuộc chém giết vô cớ mà trong đó thanh niên là thủ phạm, trong những năm gần đây, Susumu Oda, nhà tâm lý học ở Osaka nhận xét.

"Giới trẻ cảm thấy họ đang đứng ở chân tường, không có cách nào thoát ra được", ông nói. Kẻ cuồng sát Kato có thể đã cảm thấy cô độc khi sống trong căn nhà tập thể của nhà máy. Đối với những kẻ như vậy, hành động giết người có thể là cách để cảm thấy được tham gia vào xã hội và đạt mục tiêu cá nhân, Oda phân tích.

Còn có những phỏng đoán về việc tại sao Kato chọn nơi thực hiện hành động thảm sát là ở khu Akihabara. Đây là thánh địa của đồ điện tử và các người hâm mộ hoạt hình của Nhật. Kato nghĩ người hâm mộ là các thành viên tích cực của xã hội nên nhắm vào họ để chém giết; hoặc giả y chọn khu này bởi bản thân là một kẻ nghiện mạng lưới.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thảm_sát_Akihabara http://www2.asahi.com/special2/080609/TKY200806090... http://www.aujourdhuilejapon.com/actualites-japon-... http://edition.cnn.com/2008/WORLD/asiapcf/06/08/ja... http://www.hindu.com/thehindu/holnus/0012008062311... http://www.iht.com/articles/2008/06/23/asia/japan.... http://www.iht.com/articles/ap/2008/06/17/asia/AS-... http://www.japantoday.com/category/crime/view/12-s... http://www.sanspo.com/shakai/news/080624/sha080624... http://www.sfgate.com/cgi-bin/blogs/sfgate/detail?... http://www.straitstimes.com/Latest+News/Asia/STISt...